Tuesday 9 January 2007

Cái móng hổ

Phần I



Cái nắng chiều đã hơi chếch nghiêng về phía đỉnh núi Sư Tử. Từng cơn gió thu đưa những chiếc lá vàng bay lả chả, phủ lên hiên chiếc nhà sàn cũ kỷ. Hơi gió mát đến sớm báo hiệu một buổi tối sẽ khá lạnh. Đâu đây hương rừng thoang thoảng tạo cho người ta một cảm giác thật yên lành và như được tiếp thêm sức sống.

Hùng đang ngồi trên chiếc phản thấp đặt bên góc nhà, nó mãi mê khâu lại chiếc giày bằng da dê bị rách phía mũi. Ông Bá – ông nội của Hùng cũng đang ngồi lim dim mắt bên làn khói đục, ông vừa hút thuốc vừa mân mê cái ống điếu. Cái ống điếu của ông thật đặc biệt, nó làm bằng một loại gỗ quý, nhìn vào thấy bóng loáng như sẳn sàng tươm ra mỡ.

Chợt ông đằng hắng lấy giọng rồi cất tiếng ồm ồm hỏi Hùng, mắt vẫn nhìn xa xa về một nơi không chủ định:
- Con đi khi nào về?
Hùng vẫn không rời mắt khỏi mũi giày:
- Dạ, con tranh thủ về sớm nội à.
- Ừ, trời tối lạnh lắm đấy, nhớ về sớm nghe con.

Ông Bá đưa mắt nhìn Hùng. Hùng là đứa cháu ngoan, biết vâng lời. Thật tội nghiệp, đã 12 tuổi rồi mà nó chưa biết được mặt ba mẹ. Ông còn nhớ như in cái ngày Hùng vừa mới được sinh ra chưa tròn tháng, một toán người bất ngờ ập vào nhà ông, bắt ba mẹ của Hùng mang đi. Buổi sáng hôm ấy ông bế Hùng đi phơi nắng ngoài bờ biển, chợt thấy một chiếc tàu nhỏ cập bến, rồi ba bốn tên lực lưỡng phóng nhanh lên bờ, ông nép mình vào một vách đá nên bọn chúng không nhìn thấy. Lát sau, nghe tiếng đánh nhau dữ dội phía trong nhà, rồi thấy bọn chúng bắt trói ba mẹ Hùng, dẫn xuống tàu. Ông đứng lặng không thể thốt lên một lời, thằng Hùng trên tay ông cũng bắt đầu khát sữa nên khóc ré lên. Ông phải lấy vạt áo bịt miệng nó lại, nếu không tụi cướp nghe thấy thế nào cũng giết chết hai ông cháu.

Ông không rõ lý do tại sao bọn chúng lại bắt ba mẹ Hùng. Có thể là bọn chúng chỉ cướp tài sản, nhưng nếu vậy thì vô lý, vì ba mẹ Hùng không có tài sản gì quý giá, vả lại nếu cướp tài sản thì đâu cần phải bắt người. Vậy chỉ còn lý do thứ hai, ông chợt rùng mình.

Ông đang giữ một bí mật mà không ai ngờ tới, đó là cái móng hổ mà hiện tại Hùng đang đeo trên cổ như một vật hộ mệnh. Nghe ba của ông kể lại thì cái móng hổ này là chìa khoá của một kho báu khổng lồ mà chắc là bọn cướp rắp tâm muốn chiếm đoạt. Ban đầu ông cũng không tin lắm, nhưng lúc hấp hối, Ba của ông đã nói những lời cuối cùng với ông là phải cất giữ cẩn thận, đời ông chưa tìm ra được kho báu thì ông mong rằng đời con, đời cháu của ông phải tìm ra được.

Nhưng có lẻ bọn cướp không ngờ là cái móng hổ thật hiện tại chính ông là người cất giữ chứ không phải ba mẹ Hùng. Ông cũng định nói thật và giao cho Ba Mẹ Hùng nhưng chưa có dịp, ông sợ tuổi già thì đến một lúc nào đó lẩm cẩm thì lại quên mất. Nhưng ông chưa kịp nói thì đã xảy ra sự việc ngày hôm nay. Nhưng tại sao bọn chúng lại biết việc này, có lẽ là cây kim giấu lâu trong bọc cũng có ngày sẽ lòi ra, và việc này cũng tương tự như thế. Ba của ông trước khi chọn nơi này làm chốn an cư thì cũng là một người hành hiệp giang hồ, chắc có thể việc có được cái móng hổ là kết quả của một cuộc đấu tranh quyết liệt, và cuối cùng ông là người thắng cuộc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không bỏ ý định một ngày nào đó sẽ cướp lại cái móng phù phép này.

Đợi bọn cướp nhổ neo, ông Bá lấy vạt áo ra khỏi miệng Hùng, nó bắt đầu khóc rống lên thảm thiết. Ông bế nó chạy vội về nhà, nhà cửa bị lục tung cả lên, đồ đạc thì ngả nghiêng, đổ nát. Ông cho Hùng uống một ít nước cơm mà mẹ Hùng đang nấu dỡ trên bếp rồi lấy dao đào cái hủ ông chôn ở góc nhà, cái móng hổ vẫn còn nằm nguyên trong hủ. Ông gom một ít đồ đạc rồi ôm Hùng chạy vội đi. Ông đoán chắc thế nào bọn cướp cũng sẽ quay trở lại một khi không tìm ra cái cần tìm. Có lẽ bọn chúng hiểu nhầm cái móng hổ ba Hùng đang đeo trên cổ là cái móng chúng cần và nghĩ là ba mẹ Hùng biết rõ nơi cất giấu kho báu nên một mặt chiếm lấy cái móng hổ, một mặt bắt ba mẹ Hùng làm người dẫn đường.

Nơi ông ở là một vùng biển hẻo lánh, đi bộ gần một giờ mới ra đường cái, khi đó mới có nhà dân và người qua lại. Đến sập tối, ông tìm được một nhà dân tốt bụng, ông xin cho Hùng chút nước cháo và xin nghỉ qua đêm. Nghe ông kể việc gia đình bị cướp, chủ nhà có vẻ thông cảm. Sẳn chủ nhà có chuyến buôn muối lên miền núi, nên ông nhờ quá giang lên đấy để sống, nhằm tránh sự truy đuổi của bọn cướp. Ông cũng để lại lời nhắn cho chủ nhà là khi nào có tin tức gì của ba mẹ Hùng thì nhắn dùm chỗ ở của hai ông cháu.

Vậy mà đã mười hai năm trôi qua, người buôn muối từ lâu cũng không thấy lên. Còn ông thì trong một lần đi rừng bị vướng vào cái bẩy thú nên bị thương cắt mất bàn chân. Di chuyển khó khăn nên đôi khi ông cũng muốn quay về nhà cũ nhưng không có cách nào về được.

Đôi lần Hùng cũng có hỏi ông nó rằng Ba mẹ nó đâu, ông chỉ trả lời là ba mẹ nó làm ăn xa, chưa có dịp về thăm hai ông cháu. Rồi ông dỗ dành cho nó quên đi, không hỏi thêm nữa.

Mãi suy nghĩ miên man, thằng Hùng đã đến bên ông từ lúc nào. Nó ôm lấy vai ông nội:
- Nội đừng lo, con về sớm mà.
- Ừ, nội đâu có lo việc đó. Con về sớm ăn cơm với ông nghe.
- Dạ- Hùng đáp lời ông nội rồi phóng ra khỏi nhà.

Nó nhảy tung tăng qua mấy phiến đá, theo lối mòn dẫn ra một con suối, lướt qua những bông hoa dại màu tim tím bé xíu mọc nép mình hai bên lối đi. Nó tìm sợi dây giấu trong một bụi cây mà chỉ một mình nó biết. Sợi dây thừng được quấn bằng vỏ cây ngâm nước rất chắc chắn mà nó đã kỳ công làm cách đây mấy tháng, dùng để nhảy băng qua con suối sâu, có đá phía dưới lởm chởm, nước chảy rất mạnh. Đầu dây được cột chặt vào một nhánh cây đưa ra phía giữa con suối. Thông thường, để qua được con suối này, người ta phải đi lên phía đầu nguồn, lựa chỗ cạn và đá bằng phẳng để đi qua, nhưng nếu không khéo thì sẽ bị nước cuốn đi như chơi. Nó và ông nội nó ít đi về hướng này, vì rẫy của ông nằm ở hướng đông. Phía bên này là khu vực của bản khác, nhưng vì bên đây có nhiều đứa con trai khác cùng lứa tuổi nên nó hay qua đây chơi.

Hôm nay Hùng và mấy đứa bạn có một cuộc thi chạy bộ tranh giải là một con thỏ nhỏ màu trắng mà cả bọn bắt được hôm qua. Con thỏ rất xinh xắn, nó có màu lông trắng bạch rất dễ thương, cái mũi ươn ướt lúc nào cũng như khẽ động đậy.

Hùng dùng tay kéo sợi dây vài cái thật mạnh để thử độ an toàn rồi phóng vèo một cái sang hẳn bờ bên kia. Nó giấu đoạn dây cẩn thận vào một nhánh cây rồi chạy về hướng bãi cỏ rộng, nơi mà tụi bạn người dân tộc đang tụ tập la ó xôn xao phía trước.